Sự nghiệp Hùng_Cường_(nghệ_sĩ)

Ông tên thật là Trần Kim Cường, sinh ngày 21 tháng 12 năm 1936 tại Bến Tre, sau theo gia đình lên Sài Gòn. Ngay từ khi còn là học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo, ông đã có thể tự sáng tác và biểu diễn những bài hát học sinh trong các lần hội diễn của trường. Sau khi học xong “tú tài”, ông chính thức theo nghiệp ca hát tại các vũ trường Kim Sơn, Baccara,...

Ngay từ năm 19541955, Hùng Cường đã nổi tiếng với các nhạc phẩm “tiền chiến” như: Ông lái đò, Vọng ngày xanh, Sơn nữ ca, Đường xưa lối cũ,... Tất cả đều được thu đĩa và đạt số bán kỷ lục ở Sài Gòn bấy giờ. Đầu thập niên 1960, Hùng Cường và Mai Lệ Huyền chuyển sang thể loại nhạc vàng, tạo nên một không khí mới mẻ trong nền âm nhạc thời đó. Ông cũng được xem là người đào hoa vì có nhiều người tình nhất Sài Gòn thời bấy giờ.

Tay ngang thành kép chính lý tưởng

Ông vốn là ca sĩ hát tân nhạc, nhưng năm 1959, ông bất ngờ xuất hiện trên sân khấu cải lương trong vai chính và thành công vang dội. Đó là điều khá phi thường vì vào thời điểm đó, một người theo đoàn cải lương phải mất ít nhất 2–3 năm làm “giàn bao” mới lên được vai phụ, rồi cũng mất chừng ấy thời gian mới lên được vai chính nếu thực sự có tài và khổ luyện. Với nền móng nhạc lý vững vàng, cộng với chất giọng đã được trui rèn và sự kiên trì, cố gắng khổ luyện, ông đã mạnh dạn bước lên sân khấu cải lương và khẳng định ngay tên tuổi của mình. Kể từ đó, trên bầu trời cải lương miền Nam xuất hiện ngôi sao rực sáng, ông đã giúp cho tiếng tăm và doanh thu của đoàn Ngọc Kiều cải thiện đáng kể. Với vóc dáng “sáng” sân khấu, chất giọng tenor khỏe, lối diễn xuất vừa tự nhiên vừa tự tin và rất hợp lý, cùng những bài bản cải lương đã được luyện tập kỹ càng, Hùng Cường đã thành công vang dội ngay từ vai diễn đầu.

Tức thì, chủ đoàn Ngọc Kiều ký tiếp hợp đồng với Hùng Cường để hát vai chính trong kịch bản mới Tuyết phủ chiều đông khai trương tại rạp Viễn Trường (Mỹ Tho, Tiền Giang) sau một tháng tập dượt. Hùng Cường đã mướn riêng một nhạc sĩ cổ nhạc đến nhà ông luyện tập ngày đêm. Ngoài ra, ông rất nhạy bén, biết được sở đoản, sở trường của mình, nên đã phối hợp với soạn giả cải lương lồng vào kịch bản khá nhiều đoạn tân nhạc, khai thác đúng tài năng của ông.

Tuyết phủ chiều đông của soạn giả Bạch Yến Lan và giọng hát mới Hùng Cường đã tạo nên một sự kiện chấn động "thánh địa cải lương" Mỹ Tho. Rạp Viễn Trường đầy kín từ chỗ ngồi đến chỗ đứng, bên ngoài còn dư khán giả gần nửa rạp.

Tiếp theo, đoàn Ngọc Kiều dựng tiếp vở cải lương Màu tím đèn hoa giấy, khai trương tưng bừng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960, rồi tiếp tục lưu diễn nhiều tỉnh, thị xã lớn ở miền Tây. Hùng Cường đóng vai Kha Phong – kiếm sĩ Phù Tang điêu luyện, bên cạnh tài danh Ngọc Đáng. "Ngôi sao" cải lương Hùng Cường rực sáng từ đó.

Hùng Cường và Mai Lệ Huyền.

Ông và nghệ sĩ Bạch Tuyết kết hợp lại thành cặp "sóng thần" rất nổi tiếng ở Sài Gòn thập niên 1960. Nổi tiếng tới mức làm lu mờ những cặp đôi khác và chuyện tình giữa Bạch Tuyết với danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang được thêu dệt nhờ đó mà ra.[1]

Nhạc kích động và Nhạc lính

Sau khi bước sang lĩnh vực cải lương và thành công vang dội, Hùng Cường vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu ca nhạc và lại làm người hâm mộ quay cuồng theo ông với một thể loại nhạc mới lạ lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn – nhạc kích động, như cách gọi của nhiều người lúc đó là nhạc giật, một dạng pop-rock đã được Việt Nam hóa. Nhạc kích động với giọng ca Hùng Cường chỉ thực sự đạt đỉnh cao khi phối hợp cùng Mai Lệ Huyền – một ca sĩ nữ cũng "quậy" không kém. Những ca khúc tươi vui và “kích động” như: Hai trái tim vàng, Vì chưa ngỏ ý, Túp lều lý tưởng,... đã làm sôi động giới trẻ miền Nam cuối thập niên 1960 – đầu thập niên 1970.

Đóng phim, viết nhạc, đóng kịch

Sau ca nhạc, cải lương, Hùng Cường tiếp tục “lấn sân” sang điện ảnh. Hàng loạt các phim do Hùng Cường thủ vai chính được người xem chú ý thời bấy giờ như: Chân trời tím, Mãnh lực đồng tiền, Còn gì cho nhau, Nắng chiều, Ly rượu mừng, Vết thù trên lưng ngựa hoang,... Lúc mới bước sang điện ảnh, Hùng Cường bị châm chích rất ác ý, chê bai là “cải lương”. Thế nhưng, sau khi thành công với phim đầu tiên “Chân trời tím”, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên ông cũng ăn khách. Hãng phim Kim Thân đã trả thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng cặp trong phim “Mãnh lực đồng tiền”.

Theo chân Hùng Cường, nhiều đào kép cải lương khác ở Sài Gòn cũng tham gia đóng phim, mà nổi hơn cả là Thanh Nga và Mộng Tuyền. Lúc đầu, các nữ tài tử điện ảnh rất ngại đóng cặp với kép hát cải lương, trong đó có Hùng Cường. Theo báo chí thời ấy, công ty phim truyện Liên Ảnh trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng Cường, nhưng Thẩm Thúy Hằng từ chối, có lẽ do "định kiến" ấy.

Vào thập niên 1960, khi cải lương đang chiếm lĩnh Sài Gòn, một nhóm kịch sĩ đứng đầu là Vân Hùng, La Thoại Tân, Hùng Cường hợp cùng nghệ sĩ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng và ca sĩ Túy Hồng tạo nên "đặc chủng" nghệ thuật mới mang tên Kịch nghệ Sài Gòn. Kịch Sài Gòn ra đời muộn, không ồn ào, không thu hút ngay được nhiều khán giả tới rạp, nhưng dần dần cũng tạo được chỗ đứng. Ngoài kỳ nữ Kim Cương vốn là con nhà nòi về kịch nói, số còn lại đều từ điện ảnh, ca nhạc sang. Có thể nói, chính những cái tên như Thẩm Thúy Hằng, Hùng Cường đã lôi kéo một lượng khán giả không nhỏ, giúp sân khấu kịch Sài Gòn có chỗ đứng và phát triển dần.

Ông được nhiều người cho là một nghệ sĩ đa tài, bởi ông thành công ở các lĩnh vực điện ảnh, ca nhạc, cải lươngkịch.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông nhiều lần vượt biên nhưng bị bắt và sau đó bị tù, tuy nhiên, cuối cùng ông cũng sang được Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 2 năm 1980. Ông cư ngụ tại Garden Grove, California, tiếp tục hoạt động âm nhạc.

Ông qua đời ngày 1 tháng 5 năm 1996 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, hưởng thọ 60 tuổi.

Tư tưởng

Hùng Cường có tư tưởng chống cộng sản rất quyết liệt, ông từng vào trại cải tạo sau năm 1975, sau khi được trả tự do, ông được sự giúp đỡ của các thuyền nhân vượt biên.

Ca khúc sáng tác

  • Bi Đông ơi giã từ
  • Buồn nào hơn
  • Cánh hoa chiều mưa
  • Cuộc tình buồn
  • Đảo hẹn hò
  • Đâu cội đâu nguồn
  • Đêm trao kỷ niệm
  • Đừng giận nhau
  • Gửi bạn phương trời
  • Gửi chút ước mơ
  • Hành khúc người trở lại
  • Hãy cứ nói thẳng (tân cổ)
  • Mùa xuân Cali
  • Như mộng hãi hùng
  • Sao anh chưa về (vọng cổ)
  • Sao em không ngủ
  • Tâm khúc người về
  • Thương ca niệm khúc
  • Tình nào hỡi em
  • Tình trăng Bến Hải
  • Tôi đi
  • Trăng Cam Ly
  • Tưởng niệm ca
  • Về thăm xứ lạnh
  • Việt Nam yêu ơi
  • Xin trả cho trọn (thơ Nhất Quốc Trân)
  • Yêu người điên

Tân cổ, vọng cổ

  • 24 giờ phép
  • Đám cưới đầu xuân
  • Đón xuân này nhớ xuân xưa
  • Đồn vắng chiều xuân
  • Gửi niềm thương nhớ
  • Hai chuyến tàu đêm
  • Khúc ca Đồng Tháp
  • Kẻ ở miền xa
  • Lời chúc đầu năm
  • Lời nguyện cầu nửa đêm
  • Món quà giáng sinh
  • Ngày xưa anh nói
  • Ngủ đi em
  • Tình không biên giới
  • Xin anh giữ trọn tình quê

Cải lương

  • Nửa đời hương phấn (vai Tùng)
  • Tướng cướp Bạch Hải Đường (vai Bạch Hải Đường)
  • Nạn con rơi (vai Quý)
  • Tuyệt tình ca (vai Nhân)
  • 7 Tay Kiếm Vá Trời (vai Nhật Thiên Trường)
  • Cô gái Đồ Long (vai Hoàng Nhan San)
  • Anh hùng xạ điêu (vai Hoàng Nhan Liệt)
  • Má hồng phận bạc (vai Thúc Sinh)
  • Chuyện tình Hàn Mạc Tử (vai Hàn Mạc Tử)
  • Thiên hạ đệ nhất kiếm (vai Chú Kiếm khách)

Các phim tham gia

  • Bão Tình (1972)
  • Nắng Chiều (1973)
  • Mãnh Lực Ðồng Tiền
  • Chân Trời Tím
  • Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang
  • Yêu Em Vào Cõi Chết (Anh Yêu Em)